QUÁ TRÌNH THÀNH LẬP, XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN
CỦA BỆNH VIỆN ĐA KHOA HUYỆN SÔNG MÃ 1955-2017
Bệnh viện đa khoa huyện Sông Mã được thành lập từ năm 1955, sau ngày hoà bình lập lại ở Miền Bắc.Với chính sách ngu dân mà thực dân Pháp trước đó áp dụng đối với đồng bào Tây bắc lúc bấy giờ đã để lại hậu quả nặng nề trong cuộc cuộc sống của đồng bào các dân tộc, trong đó có vấn đề sức khoẻ. Toàn huyện không có bất kỳ một cơ sở chữa bệnh cho người dân; mọi ốm đau bệnh tật đều phó mặc cho số phận và các thầy mo, thầy cúng. Những ngày đầu thành lập Bệnh viện được được xây dựng tại Phiêng Ma Lông thuộc xã Nà Nghịu (địa điểm Bản Trại Giống hiện nay) với biên chế 7 giường bệnh, do Y tá Lê Dục phụ trách. Nhà cửa, bàn ghế, giường nằm làm bằng vật liệu tre nứa trên nền đất tạm, đều do công sức của cán bộ cùng với vận động hỗ trợ nhân công của bà con các bản xung quanh giúp đỡ tạo nên. Với cơ sở vật chất hầu như không có gì, ở giữa vùng dân cư thưa thớt nên hoạt động vô cùng khó khăn. Tuy vậy, với ý chí quyết tâm của người cán bộ ngành y, lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ và sự đùm bọc của nhân dân địa phương, bệnh viện đã từng bước ổn định, đi vào hoạt động. Cuối năm 1960, bệnh viện nâng cấp lên 10 giường bệnh và do Y sỹ Lê Quang Duyên phụ trách; với nhiệm vụ thiêng liêng được giao phó, bệnh viện đã trở thành một trong những tập thể điển hình, thể hiện sự ưu việt của chế độ mới, góp phần làm cho nhân dân thêm tin tưởng và đi theo con đường của Đảng.
Bệnh viện đa khoa huyện Sông Mã nằm ở huyện biên giới phía Tây bắc tổ quốc, dưới chân núi PuNhi hùng vĩ, cạnh dòng Sông Mã hiền hoà, thơ mộng - Là nơi xuất xứ có trong ca khúc “Tình ca Tây bắc” đã đi vào lòng người. Với vị thế có được, bệnh viện luôn vững bước đi lên, thực hiện tốt nhiệm vụ “ Bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ nhân dân” trong địa bàn huyện cũng như địa phương khác và nhân dân nước bạn Lào. Trải qua hơn 60 năm nhìn lại một chặng đường xây dựng và phát triển, cán bộ công chức bệnh viện tự hào khẳng định đó là hành trình nhiều khó khăn, thử thách, gian khổ song cũng rất vẻ vang.
Đến năm 1964, để đối phó với đế quốc Mỹ leo thang đánh phá Miền Bắc, dưới sự chỉ đạo của Ty Y tế và Lãnh đạo huyện, bệnh viện đã di chuyển địa điểm đến cơ sơ mới tại bản Nà Hin, xã Nà Nghịu, là trung tâm huyện lỵ lúc bấy giờ. Lúc này, biên chế 30 giường bệnh, có 16 cán bộ gồm 5 Y sỹ, còn lại là Y tá, tạp vụ, do Y sỹ Vũ Ngọc Giao làm Trưởng phòng kiêm làm Bệnh viện trưởng. Nhà cửa đã được nâng cấp bẳng nhà gỗ, vách đất và được tăng cường thêm cán bộ y tế.
Năm 1967, chiến sự ở Mường Son của nước bạn Lào đang diễn ra ác liệt. Thương bệnh binh vận chuyển ra đến bệnh viện huyện vô cùng khó khăn.Trước tình hình đó, Ty y tế Sơn La chỉ đạo thành lập Phân viện Sốp Cộp trực thuộc bệnh viện với mục tiêu là tuyến y tế tiền phương trong điều trị, cấp cứu thương, bệnh binh. Cán bộ y tế của bệnh viện mặc dù còn đang rất thiếu vẫn phải gánh vác nhiệm vụ quan trọng, thiêng liêng này và Y sỹ Trương Xuân Thảo được phân công làm Phân viện trưởng. Trong những năm tháng đó, có hàng nghìn thương bệnh binh đã được sơ cứu, điều trị kịp thời trước khi chuyển tiếp về tuyến chuyên môn cao hơn hoặc bình phục tiếp tục sự nghiệp cầm súng nơi tuyến lửa. Với những nỗ lực và thành công đó của tập thể cán bộ bệnh viện, phân viện đã góp phần không nhỏ vào thành công chung của dân tộc trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước.
Năm 1968, bệnh viện tiếp tục phát triển và nâng cấp lên 50 giường bệnh và do Bác sỹ Nguyễn Quốc Liên làm Bệnh viện trưởng. Bệnh viện vẫn tiếp tục phát huy thành tích đạt được, ngoài nhiệm vụ khám chữa bệnh tại bệnh viện, đơn vị còn có thêm nhiệm vụ phát triển mạng lưới y tế cơ sở bằng hình thức đào tạo nhân viên y tế (Y tá) cho các bản làng.
Năm 1976, trước nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của nhân dân, cùng với sự phát triển của nhân lực ngành y tế, sự tăng nhanh của dân số, Phân viện Chiềng Khương và Phân viện Mường Lầm đã ra đời với 20 giường bệnh do Y tá Bạc Cầm Giót và Y sỹ Lường Xuân Uý làm Phân viện trưởng. Sự ra đời và hoạt động của 2 Phân viện đã góp phần đáng kể cho giảm tải ở bệnh viện huyện, tạo điều kiện thuận lợi rất nhiều cho nhân dân trong khám bệnh và điều trị.
Năm 1979, Bệnh viện đa khoa huyện chuyển từ Nà Hin về Thị trấn Sông Mã, tại tổ dân phố 12 hiện nay và được nâng cấp lên 70 giường bệnh. Cơ sở vật chất cũng được xây dựng mới một phần còn đa số phải tận dụng lại của bệnh viện cũ và cũng do bàn tay của cán bộ y tế góp sức làm nên. Đây là thời kỳ khó khăn của đơn vị cùng với khó khăn chung của đất nước trong thời kỳ bao cấp. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của cấp uỷ bệnh viện, tập thể cán bộ đã cùng chung tay vượt qua gian khó, hoàn thành nhiệm vụ Đảng và nhân dân giao phó. Từ đó đến năm 1992, lần lượt các Bác sỹ: Nguyễn Quốc Liên, Đinh Văn Nhữ, Hà Ngọc Hặc, Trần Thuỷ Tề giữ cương vị Bệnh viện trưởng - Là các nhạc trưởng dìu dắt tập thể bệnh viện đa khoa huyện Sông Mã vững vàng đi lên.
Năm 1992, Bệnh viện đa khoa huyện Sông Mã chuyển thành Trung tâm y tế huyện, trên cơ sở sát nhập thêm bộ phận Phòng chống dịch bệnh của Phòng Y tế và quản lý hệ thông y tế cơ sở, do Bác sỹ Hà Ngọc Hặc là Giám đốc, Bác sỹ Lò Thị Giang Hương, Bác sỹ Trần Mạnh Thắng là phó Giám đốc; Bệnh viện với 130 giường với 100 giường tại Trung tâm và 30 giường ở 2 Phòng khám đa khoa khu vực; Các khoa, phòng được bố trí, sắp xếp lại nhân sự cho phù hợp với nhiệm vụ mới. Giai đọan này, Trung tâm y tế được hưởng nhiều dự án về đầu tư xây dựng, đào tạo, cung cấp trang thiết bị nên có nhiều thuận lợi trong hoạt động. Các khoá đào đạo liên tục được triển khai tại Trung tâm nên Sông Mã là huyện đầu tiên trong tỉnh Sơn La có đủ Nhân viên y tế thôn bản đã qua đào tạo; Tỷ lệ cán bộ đi học nâng cao chuyên môn luôn dẫn đầu các huyện trong toàn tỉnh. Trang thiết bị được trang bị bổ sung, kèm theo đó là các ứng dụng chuyên môn: Xét nghiệm, siêu âm, chuyên khoa... được triển khai, nâng cao rõ rệt hiệu quả điều trị. Các Chương trình Y tế Quốc gia: Tiêm chủng mở rộng, Phòng chống suy dinh dưỡng..., Kế hoạch hoá gia đình được triển khai đồng bộ và đạt được nhiều thành tích được các cấp khen thưởng. Hầu hết các Trạm y tế xã được xây dựng mới, củng cố nhân sự, tăng cường đào tạo; đến năm 2006, có 5/19 Trạm y tế có Bác sỹ, 1 Trạm đạt Chuẩn quốc gia về y tế. Năm 2004, lực lượng cán bộ của Trung tâm với đầy đủ trình độ, các ngạch bậc lại vui vẻ lên đường nhận nhiệm vụ mới tăng cường cho huyện bạn Sốp Cộp (huyện mới thành lập) trong những ngày đầu khó khăn khi mới thành lập huyện như: Bác sỹ Đặng Huy Cường, Bác sỹ Đặng Xuân Bình, Bác sỹ Đoàn Đức Huấn, Bác sỹ Hà Văn Bích, Dược sỹ Nguyễn Xuân Thành, kế toán Lò Thị Chiến cùng 11 cán bộ của Phòng khám đa khoa khu vực Sốp Cộp, tham gia gây dựng Trung tâm y tế huyện Sốp Cộp.
Năm 2006, Bệnh viện đa khoa huyện tái thành lập trên cơ sở chia tách từ Trung tâm y tế huyện, với chức năng, nhiệm vụ mới của bệnh viện đa khoa tuyến huyện theo Quyết định của Uỷ ban nhân dân tỉnh Sơn La. Biên chế lúc này vẫn là 130 giường bệnh với gần 100 cán bộ, chia thành 10 Khoa, 2 Phòng chức năng, 2 Phòng khám đa khoa khu vực do Bác sỹ Vũ Tiến Quyền làm Giám đốc bệnh viện, Bác sỹ Lò Văn Sinh, Đặng Huy Cường, Đoàn Vũ Hưng làm phó giám đốc. Chuyển cơ sở về bản Quyết Thắng, xã Nà Nghịu tháng 12/2008 do được hưởng Dự án xây dựng Bệnh viện đa khoa huyện Sông Mã. Từ khi tái thành lập bệnh viện đến nay, đơn vị đã có nhiều cố gắng trong mọi hoạt động; Số lượng cán bộ và nhân dân đến khám chữa bệnh ngày càng tăng lên thể hiện uy tín của đơn vị ngày càng được khẳng định; Công suất sử dụng giường bệnh hàng năm luôn đạt trên 100%; Ứng dụng nhiều kỹ thuật phục vụ chẩn đoán, điều trị như : Máy thở, máy gây mê, máy Siêu âm mầu, máy nội soi Tai Mũi họng, Sinh hiển vi khám Mắt, máy xét nghiệm huyết học, sinh hóa tự động; triển khai được nhiều kỹ thuật lâm sàng, cận lâm sàng mới như: Phẫu thuật kết hợp xương, phẫu thuật cắt lách, vỡ gan, phẫu thuật cắt Amidan, một số phẫu thuật chuyên khoa mắt, phẫu thuật sản khoa cắt tử cung bán phần, chửa ngoài tử cung có choáng, truyền máu toàn phần…; Kết quả kiểm tra hàng năm đều xếp loại khá trở lên; Bệnh viện còn là cơ sở điều trị hỗ trợ cho huyện Sốp Cộp, khám và chữa bệnh cho cán bộ, nhân dân huyện Mường Ét, Xiềng Khọ, Sốp Bâu ( Lào); Là cơ sở thực tập đào tạo chuyên môn y tế, dược của Trường Cao Đẳng y tế Sơn La; cán bộ y tế không vi phạm 12 điều y đức đến mức độ phải xử lý kỷ luật; Đội ngũ cán bộ không ngừng được kiện toàn, bổ sung; Đến nay 2017 Bác sỹ Đoàn Vũ Hưng là Giám đốc, Bệnh viện đã phát triển có 20 khoa, phòng, phòng khám đa khoa khu vực, với tổng số 127 công chức, viên chức, có 45 người có trình độ từ đại học trở lên, trong đó 30 Bác sỹ với 1 Thạc sỹ, 12 Bác sỹ chuyên khoa I, có 20 cán bộ đang học nâng cao chuyên môn bậc đại học và sau đại học.
Bệnh viện đa khoa huyện Sông Mã có được những thành tích trong quá trình xây dựng và phát triến trên đây có vai trò hết sức quan trọng của tổ chức cơ sở Đảng và các Đảng viên của đơn vị. Cấp uỷ đảng luôn giữ vai trò lãnh đạo đơn vị, cán bộ đảng viên là nòng cốt của việc thực hiện các Nghị quyết của Đảng trong mọi hoạt động. Đội ngũ Đảng viên ngày càng được tiếp thu những thành tựu khoa học tiên tiến, rèn luyện tư tưởng chính trị vững vàng áp dụng vào thực tế hoạt động của đơn vị. Từ chỗ chỉ có 1 Đảng viên duy nhất khi mới thành lập và phải sinh hoạt ghép, đến nay đã phát triển thành Đảng bộ với 3 chi bộ trực thuộc và 50 Đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam. Công tác giáo dục, phát triển đảng cũng được quan tâm của Đảng bộ, thể hiện bằng số lượng đoàn viên ưu tú đã và đang là đối tượng đảng đang sinh hoạt tại các chi bộ trực thuộc. Công tác kiểm tra đảng được triển khai nghiêm túc đã góp phần ngăn ngừa sai phạm trong đảng viên và tổ chức đảng. Tất cả các hoạt động đó đã góp phần xây dựng Đảng bộ đi lên, hoàn thành nhiệm vụ được giao. Gần đây nhất, 3 năm liền (2014, 2015, 2016) Đảng bộ được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Tổ chức Công đoàn của bệnh viện không ngừng lớn mạnh qua các thời kỳ do Mai Hồng Thanh, Lò Thị Giang Hương, Cấn Thế Nghiệp, Trần Thị Tuyết, Lò Văn Sinh, Cầm Thị Tươi, Đặng Huy Cường, Hoàng Lan Phượng làm Chủ tịch Công đoàn cơ sở; tổ chức Công đoàn luôn sát cánh với cán bộ, giáo dục, bảo vệ quyền lợi cán bộ ngành y tế. Ngay từ những ngày đầu thành lập bệnh viện, tổ công đoàn đã là người bạn không thể thiếu của cán bộ trong đơn vị. Các phong trào hoạt động thể dục, thể thao, văn nghệ.... đã cuốn hút được đông đảo cán bộ, xua đi những vất vả, mệt nhọc sau công việc cứu chữa người bệnh đầy căng thẳng. Đội bóng chuyền Y thể đã vang bóng một thời trong phong trào thể thao của huyện; Câu lạc bộ cầu lông với những cầu thủ làm mưa, làm gió trong những giải của huyện. Đội văn nghệ xung kích của bệnh viện đã đoạt được nhiều giải qua các hội thi nghệ thuật quần chúng của huyện, của ngành hàng năm; Ban nữ công có nhiều tích cực trong bảo vệ quyền lợi, bình đẳng phụ nữ trong đơn vị; Tổ chức nhiều hình thức hoạt động phong phú, sôi nổi nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho chị em tham gia các hoạt động xã hội, tôn vinh vai trò của người phụ nữ Việt Nam. Ban Thanh tra nhân dân được thành lập và hoạt động đúng theo chức năng, nhiệm vụ đã góp phần thực hiện tốt việc Thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở, tạo được không khí tin tưởng vào sự lãnh đạo của cấp uỷ, chính quyền đối với các hoạt động của đơn vị trong cán bộ công chức. Đội ngũ đoàn viên công đoàn được liên tục phát triển cả về số lượng và chất lượng, giai đoạn là Trung tâm y tế huyện lên tới gần 200 công đoàn viên, đến nay 150 công đoàn viên. Thành tích hoạt động chung của công đoàn đã được Liên đoàn lao động huyện, công đoàn ngành y tế đánh giá qua kiểm tra hoạt động công đoàn hàng năm và thể hiện bằng các danh hiệu thi đua được trao cho nhiều cá nhân và tập thể điển hình trong đơn vị trong những năm qua.
Chi đoàn Thanh niên cũng không ngừng phát triển qua các thời kỳ do Lò Thị Giang Hương, Cấn Thế Nghiệp, Trần Thị Tuyết, Đoàn Vũ Hưng, Nguyễn Đức Cảnh, Lường Văn Thoại, Khổng Kiều Oanh, Trương Thu Hương làm Bí thư Chi đoàn Thanh niên qua các thời kỳ; Chi đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh của đơn vị được thành lập sau khi thành lập bệnh viện 2 năm. Với lòng nhiệt tình của tuổi trẻ, các đoàn viên đã có rất nhiều cố gắng để đưa tổ chức này thành cánh tay đắc lực cho cấp uỷ đảng của đơn vị. mọi công việc nặng nhọc, khó khăn đều có sự góp sức của tổ chức đoàn; Từ xây dựng lán trại, đào hầm tránh máy bay, vận chuyển thương bệnh binh... thời chiến đến chống dịch sốt rét, thương hàn, phòng chống bão lũ, trực cấp cứu người bệnh... ở thời bình đều có bàn tay, sức lực của Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh của đơn vị. Lực lượng và tổ chức tuy có những thay đổi về quy mô qua các thời kỳ theo các thay đổi mô hình cơ cấu của đơn vị nhưng tựu chung lại vẫn là nòng cốt trong các hoạt động, phong trào và là nhân tố không thể thiếu được trong những thành tích đã đạt được trong suốt thời gian hơn 62 năm xây dựng và phát triển của đơn vị; hiện tại chi đoàn thanh niên có hơn 60 đoàn viên thanh niên hoạt động tích cực trong các phong trào thanh niên.
Đội tự vệ của đơn vị được thành lập từ những ngày đầu thành lập bệnh viện. Khởi đầu là tổ 3 người với nhiệm vụ phòng gian, phòng hoả; Nòng cốt là các cán bộ trẻ, khoẻ và có phẩm chất đạo đức tốt. Từ thời kỳ chiến tranh chống Mỹ được tăng cường, bổ sung thành 1 tiểu đội bán vũ trang. Lực lượng này ngoài nhiệm vụ chuyên môn chung còn tham gia thường trực sẵn sàng chiến đấu khi có tình huống xẩy ra. Trải qua năm tháng phát triển của đơn vị, đội tự vệ đã có rất nhiều thành tích trong thực hiện nhiệm vụ được giao: Tổ chức phòng gian, phòng hoả, tham gia giữ gìn an ninh trật tự trong cơ quan, tham gia phòng chống bão lũ, cháy rừng; Tham gia huấn luyện Dân quân tự vệ thường xuyên hàng năm, tham gia diễn tập khu vực phòng thủ, phòng cháy chữa cháy.... Trong tất cả các hoạt động đều hoàn thành nhiệm vụ được giao, có năm được bình chọn là đơn vị điểm về Dân quân tự vệ của Quân khu II, nhiều cá nhân, tập thể đã được khen thưởng về thành tích đạt được. Tiểu đội trưởng tự vệ qua các thời kỳ là: Tòng Văn Thoạn, Trương Tiến Hải, Lò Văn Phát, Hoàng Văn Hoan, Lường Văn Thoại, Đào Hồng Thái; hiện tại Bệnh viện có 1 tiểu đội tự vệ với quân số 22 chiến sỹ.
Nhìn lại chặng đường hơn 60 năm xây dựng và phát triển của Bệnh viện đa khoa huyện Sông Mã mới thấy được những khó khăn cũng như những cố gắng, thành tích của nhiều thế hệ cán bộ y tế không phân biệt nam nữ, quê quán, từ nhiều miền quê của đất nước đã công hiến cho sự nghiệp y tế huyện Sông Mã. Cho dù sự phát triển của đơn vị có lúc thăng, lúc trầm nhưng không thể phủ nhận được công lao của các thế hệ cán bộ đi trước đã đặt những viên gạch móng đầu tiên cho sự thành công trong hoạt động bảo vệ, chăm sóc sức khoả nhân dân của Bệnh viện đa khoa huyện Sông Mã ngày hôm nay. Đó cũng là niềm tự hào thiêng liêng của mỗi cán bộ y tế huyện Sông Mã. Nối tiếp những trang vẻ vang đó, thế hệ cán bộ y tế Bệnh viện đa khoa huyện Sông Mã đã và đang viết tiếp những lời ca về nhiệm vụ, trách nhiệm cũng là niềm vinh dự của người chiến sĩ trên mặt trận chống lại bệnh tật, bảo vệ sức khoẻ, mang lại hạnh phúc cho nhân dân các dân tộc huyện Sông Mã anh hùng./.
(Bài viết có sử dụng tư liệu và tham khảo nhiều thế hệ cán bộ do Bác sỹ Đặng Huy Cường sưu tập, viết bài)
KT GIÁM ĐỐC
PHÓ GIÁM ĐỐC
Đặng Huy Cường